Bạn có thơ tự sáng tác? Gửi tác phẩm!

Sơ lược thi cử ngày xưa Chương Một:Tổng quan

Cách thi cử được thay đổi tùy theo mỗi triều đại, có những triều đại thay đổi vài lần. Gần đây nhất, đan cử riêng triều Nguyễn trong việc tuyển chọn nhân tài cho triều đình Huế, nhìn chung có thể chia ra làm 5 giai đoạn chính:

1- Khảo khóa (cấp tỉnh): khuyến khích việc rèn luyện văn chương thi cử hàng năm.

2- Tỉnh hạch (cấp tỉnh): chuẩn bị cho kỳ thi Hương

3- Thi Hương (cấp miền, tỉnh hay liên tỉnh): kỳ thi lấy học vị Cử nhân và Tú tài

4- Thi Hội (cấp toàn quốc): chuẩn bị cho kỳ thi Tiến sĩ

5- Thi Đình (cấp toàn quốc): kỳ thi lấy học vị Tiến sĩ

Trong 5 kỳ chỉ có hai kỳ có học vị, đó là thi Hương và thi Đình. Học vị Cử nhân, Tú tài dành cho kỳ thi Hương và học vị Tiến sĩ dành cho kỳ thi Đình.

Khảo khóa

Kỳ Khảo khóa được tổ chức hàng năm như một kỳ thi thử ở cấp tỉnh dưới sự giám sát của quan Tổng đốc tức quan đầu tỉnh,và quan Đốc học tức quan đứng đầu về giáo dục trong tỉnh. Mục đích cuộc thi là rèn luyện  khuyến khích cho học trò trong những kỳ thi lớn sắp tới.

Các bài thi gần như tương tự những bài thi chính thức của kỳ thi Hương, gồm một bài kinh nghĩa bình luận vài đoạn trong Kinh Thư, Kinh Thi; một bài thơ, một bài phú; và một bài văn sách thuộc loại văn nghị luận. Bài thi được chấm bởi quan Đốc học với sự trợ giúp của các vị giáo thụ và huấn đạo của tỉnh.

Kỳ thi này không có học vị, học trò đỗ chỉ được hưởng miễn đi tạp dịch hàng năm, và đó cũng được coi như một vinh dự lớn cho đám học trò.

Tỉnh hạch

Kỳ thi Tỉnh hạch mở ra trước kỳ thi Hương vài tháng nhằm chọn lựa học trò giỏi trong tỉnh. Bài thi gồm những môn tương tự như kỳ thi khảo khóa nhưng đề bài ở trình độ cao hơn.

Những học trò thi đỗ kỳ thi này mới được dự cuộc thi Hương mà thôi. Tên những người đỗ được quan Đốc học của tỉnh lập danh sách gửi lên Bộ Lễ (sau này là Bộ Học). Đây là danh sách chính thức xác nhận tên tuổi của những thí sinh được tỉnh đề cử dự thi kỳ thi Hương sắp tới.

Những thí sinh có tên trong danh sách được đề cử của quan Đốc học tỉnh mình phải nộp theo thời hạn ấn định trước khi mở kỳ thi Hương, mỗi người 4 quyển (1) cho 4 kỳ thi, để quan Đốc học chuyển tiếp tới Trường thi.

Thí sinh dự thi còn phải nộp chứng nhận về hạnh kiểm và lý lịch (2) bởi quan chức địa phương nơi nguyên quán.

Thi Hương

Kỳ thi Hương được tổ chức 3 năm một kỳ, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, được gọi là chính khoa do triều đình tổ chức. Gọi là chính khoa để phân biệt với những khoa đặc biệt được tổ chức trong những dịp có sự kiện đáng nhớ như năm vua lên ngôi, thượng thọ cha mẹ vua ... được gọi là ân khoa. Người đỗ thi Hương được trao học vị Cử nhân và Tú tài. Tuy nhiên chỉ có những người đỗ Cử nhân mới được coi là người được quyền dự kỳ thi Hội được tổ chức tại triều đình vào năm sau. Người đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải nguyên.

Thi Hội

Kỳ thi Hội chỉ dành cho những người đã đỗ Cử nhân kể cả những khóa trước trong toàn quốc không kể năm nào.

Trong kỳ thi Hội không có học vị nào được trao cho người thi đỗ. Tên các thí sinh đỗ được niêm yết trên hai danh sách. Hai danh sách này chỉ nhằm mục đích đề cử các thí sinh thích hợp với những học vị trong kỳ thi Đình.

- Danh sách thí sinh đỗ trong bảng thứ nhất (bảng chính) được đề cử học vị Tiến sĩ.

- Danh sách thí sinh trong bảng thứ hai (bảng phó) được đề cử nhận "giải khuyến khích" với học vị Phó bảng như cái tên của bảng niêm yết.

Người đỗ đầu kỳ thi Hội gọi là Hội nguyên.

Thi Đình

Kỳ thi Đình chỉ để phân cao thấpthứ bậc học vị Tiến sĩ và chỉ dành cho những người đã được "đề cử" trong bảng thứ nhất của kỳ thi Hội mà thôi chứ không phải là kỳ thi có người đỗ hay hỏng.

Kỳ thi này chỉ có một vòng thi duy nhất và bài thi cũng chỉ có một bài chế sách duy nhất do chính nhà vua chọn hoặc tự ra đề. Vua là người quyết định việc xếp hạng.

Sau quyết định của nhà vua, tên các tân Tiến sĩ được niêm yết trên một bảng màu vàng. Bảng thứ hai (phó bảng) vẫn là bảng "đề cử" giải khuyến khích của kỳ thi Hội nay chính thức hợp thức hóa mang học vị Phó bảng.

Các tân Tiến sĩ trên bảng vàng được chia thành 3 hạng, tức tam giáp:

1- Đệ nhất giáp chỉ gồm 3 người, theo thứ tự:

- Người đứng đầu được gọi là Đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Đình nguyên (tương đương học vị trạng nguyên có từ đời nhà Trần cho tới hết nhà Hậu Lê).Riêng nhà Nguyễn không dùng học vị Trạng nguyên mà thay bằng Đình nguyên.

- Người đứng thứ hai được gọi là Đệ nhất giáp đệ nhị danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Bảng nhãn

- Người đứng hàng thứ ba được gọi là Đệ nhất giáp đệ tam danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Thám hoa

Dân gian gọi tắt 3 vị này là ông Trạngông Bảng và ông Thám.

2- Đệ nhị giáp, tiếp theo đó gồm các Tiến sĩ hạng nhì, đều được gọi chung là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, gọingắn hơn là Tiến sĩ xuất thân, hay còn được gọi là Hoàng giáp.

3- Đệ tam giáp, cuối cùng gồm các Tiến sĩ hạng ba, đều được gọi chung là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, gọi ngắn hơn là Đồng tiến sĩ xuất thân, hay còn được gọi là ông Nghè.

Người đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình được gọi là Tam nguyên (như cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến)

GHI CHÚ

(1) Quyển

Quyển là một xấp giấy "trắng" (chưa viết) đóng lại như một cuốn sách mỏng dùng để làm bài trong trường thi.

- Cách thức đóng quyển

Quyển phải do chính tay thí sinh tự đóng lấy.

Đóng quyển cũng phải theo luật lệ trường thi. Sai một tý là phạm trường quy, quyển bị loại không chấm.

Mỗi quyển dày khoảng 10 tờ giấy đôi còn trắng chưa viết, được gọi là "quyển trắng" và có kích thước nhất định. Nếu kích thước "quyển" tính theo đơn vị đo lường mới thì chiều dài khoảng 32 phân tây (centimetre), chiều rộng khoảng 18 phân tây, được phân chia:

- Bề ngang, chia làm 6 phần, chừa một phần làm gáy. Khi viết, 5 phần kia lại chia làm 6 "dòng" song song với gáy (viết dọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái).

Bề dọc được chia làm: quãng đầu, quãng cuối và quãng giữa phải dài bằng hai quãng "xâu lề" của quyển.

*/ Trang đầu, tờ thứ nhất của quyển viết họ tênquán sở (nguyên quán) và khai tam đại.

Phần họ tên, viết chữ thường, nằm ở "dòng" thứ 5 song hàng với lề (kể từ gáy), không được cao lên quá hay sâu xuống quá. Phải ghi rõ: tính (họ), danh (tên tục) và tự (tên riêng)

Phần quán sở, viết chữ nhỏ ngay dưới họ tên phải ghi tên tỉnh, phủ, huyện, xã, thôn và niên tuế (tuổi)

Phần cung khai tam đại, viết sang "dòng" mép giấy, chữ to bằng ba chữ của họ tên. Phải khai rõ tam đại tức họ tên 3 đời trực tiếp và ghi ngay bên cạnh mỗi tên chữ tử (chết) hay tồn (còn sống).

*/ Từ tờ sau của quyển dùng để viết bài thi. Đầu mỗi trang phải để chừa 3 hàng để "đài". Trong ba hàng ở đầu dòng, hàng trên cùng gọi là du cách, dưới hàng du cách gọi là hàng thứ nhất, dưới hàng thứ nhất gọi là hàng thứ hai, dưới hàng thứ hai gọi là hàng thứ ba. Bài viết của thí sinh phải bắt đầu từ hàng thứ ba đó trở xuống.

(Sự chia hàng như trên sẽ được diễn giải rõ thêm ở phần luật "đài" ở Chương hai)

- Ống quyển

Quyển được đựng trong ống quyển, ống quyển là một ống bằng gỗ có nắp, hai phần đầu và đít có móc khuyên đồng để luồn dây đeo vào cổ.

I - HỆ THỐNG GIÁO DỤC CÔNG, TƯ

Ở Việt Nam thời xưa nền giáo dục được chia thành hai thành phần:

1- Giáo dục tư thục

Căn bản được thực hiện trong làng, xã hay trong một đơn vị hành chính nhỏ thuộc địa phương. Người dạy thường gọi là "ông Đồ" hay "thày Đồ". Ông Đồ có thể là người biết chữ nhưng chưa đỗ đạt, hoặc là người đỗ đạt làm quan đã về hưu hay những người đã đỗ đạt nhưng không chịu ra làm quan. Họ sống đạm bạc trên sự đóng góp tự nguyện của học trò dành cho thày. Bên cạnh đó thày được sự trọng vọng của học trò và làng xóm cũng như xã hội. Học trò coi thày như cha ngay khi thày còn sống hay đã chết. Học trò học dưới cùng một mái trường được gắn bó với nhau về tình cảm và thường được gọi là "đồng môn".

2- Giáo dục công lập

- Ở địa phương. Giáo dục công được thiết lập từ cấp huyện, người đứng đầu là một quan Huấn đạo hay quan Huấn; ở cấp phủ có quan Giáo thụ hay quan Giáo; ở cấp đạo có có quan Điển học; ở cấp tỉnh có quan Đốc học hay quan Đốc, người trông nom giáo dục cho toàn tỉnh.

- Ở kinh thành Thăng Long xưa. Có một trường dành cho các Hoàng tử, con các quan trong triều gọi là Quốc Tử Giám. Người đứng đầu trường này là quan Tư nghiệp, một vị quan hạng tứ phẩm trong triều. Sau này trường được mở rộng ra đón nhận cho những học trò giỏi được tuyển chọn trong toàn quốc được gọi là Giám sinh. Những Giám sinh ở đây được trải qua một giai đoạn học tập để chuẩn bị cho những cuộc thi cử cấp cao với học vị cấp Tiến sĩ được bổ vào làm quan trong triều. Trường này có thể coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

- Trên cùng, cơ quan cao nhất của nền giáo dục là Hàn lâm hay Tập hiền gồm những người có phẩm chất đạo đức và phẩm tước cao.

II- SÁCH GIÁO KHOA

Sách giáo khoa được sử dụng trong giáo dục và thi cử: Tam Tự Kinh, Thiên Tự Văn, Tứ Thư, Ngũ Kinh  Tam Truyện.

1- Tam Tự Kinh
Cuốn sách viết dưới dạng thơ 3 chữ dành cho trẻ con mới học. Nội dung là những lời khuyên hữu ích thể hiện qua những câu châm ngôn như "Nhân chi sơ, tính bổn thiện; tính tương cận, tập tương viễn . . ." (Khi mới sinh ra, bản chất con người là tốt; bản chất con người là giống nhau, nhưng thói tục khiến họ khác nhau)

2- Thiên Tự Văn

Đây là cuốn sách gồm một nghìn chữ. Sách được nổi tiếng nhờ sự sắp đặt từ ngữ một cách xác đáng chứ không phải do sự phong phú của ý tưởng hay sự trong sáng của văn chương. Sách này được ra đời bởi một câu chuyện khá lý thú:

Chu Hưng Tự hay Tư Toản là một văn sĩ nổi tiếng bị ngồi tù vì trọng tội. Vua Vũ Đế nhà Lương (502-550) ra một đặc ân là sẽ tha tội nếu Tư Toản có thể hoàn thành những vần thơ trong số một nghìn chữ do vua chọn mà không có chữ nào được lập lại. Ông đã hoàn tất công việc này trong vòng một đêm. Tuy vậy, sáng ra tóc ông đã bạc phơ.

3- Tứ Thư hay Tứ Truyện

Bốn tác phẩm kinh điển: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ  Mạnh Tử.

*/ Đại Học

Do Tăng Tử viết. Nội dung sách nói về sự tu dưỡng bản thân và ứng xử trong xã hội. Gồm 7 điểm tuần tự:

Cách vật, tức đào sâu kiến thức

Trí tri, tức mở mang trí tuệ

Thành ý, tức thực tâm mong nuốn

Chính tâm và tu thân, tức sửa mình

Tề kỳ gia, tức chăm sóc gia đình

Trị quốc, tức cai trị đất nước

Bình thiên hạ, tức làm cho an dân, yên ổn

Có những câu như:

-Giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp tấm thân (Phú nhuận ốc, đức nhuận thân)

-Đức là cái gốc, của là cái ngọn (Đức giả bản dã, tài giả mạt dã)

*/ Trung dung

Do Tử Tư viết. Tử Tư là con của Bá Ngư tức là cháu nội đích tôn của Khổng Tử. Ông dạy rằng Đạo trung dung là lẽ tự nhiên của của trời đất, con người phải theo lý tự nhiên ấy mà sống mà giữ mình theo cái trung dung trong mọi hoàn cảnh.

Ông trình bày những nguyên tắc, nếu tuân thủ theo, sẽ tìm được sự thanh liêm vốn có của mình, sánh ngang với trời đất.

Có câu như:

- Thương yêu người thân là đức lớn (Thân thân vi đại)

*/ Luận Ngữ

Cuốn sách này do học trò của Khổng Tử ghi lại những lời ngài giảng dạy, hay những cuộc đối thoại của ngài với học trò. Giọng văn trịnh trọng, lời văn sâu sắc đôi khi đến khó hiểu. Sách được viết sau khi ngài mất.

Có những câu như:

- Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác (Thi chư kỷ nhị bất nguyên, diệc vật thi ư nhân)

- Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi)

- Năng lực người quân tử như gió, năng lực của kẻ tiểu nhân như cỏ; gió thổi trên cỏ ắt cỏ nép xuống (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo; thảo thượng chi phong, tất yển)

- Điều nhỏ không nhịn thì làm hỏng mưu lược lớn (Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu)

*/ Mạnh Tử

Sách do Mạnh Tử viết, trình bày dưới dạng đối thoại, bao gồm những lời răn dạy với những tư tưởng sâu sắc; văn phong luôn trong sáng, mượt mà.

Sách được chia làm bảy chương: ba chương đầu là Mạnh Tử thượng và bốn chương sau là Mạnh Tử hạ.

4- Ngũ Kinh

Gồm 5 cuốn kinh điển: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.

*/ Kinh Thi

Đây là tập thi ca, gồm 311 bài thơ, chia ra nhiều thiên, mỗi thiên gồm nhiều chương hay thư.

Lối văn cổ điển, vần thơ đẹp, nhiều cảm hứng, được lấy từ những chuyện tình ủy mị hay phóng túng. Tác phẩm gồm bốn phần: Quốc phong, Tiểu nhã, Đại nhã và Tụng.

-Quốc phong là một tập thơ gồm 160 bài ca dao dân gian kể về phong tục của 15 nước chư hầu ở Trung Hoa. Đây là phần hay nhất của toàn bộ tác phẩm, nhưng có nhiều chỗ miêu tả về tình yêu xác thịt rất lộ liễu.

-Tiểu nhã và Đại nhã, nội dung liên quan tới con người và sự việc trong vấn đề giải quyết công việc liên quan tới hành chính. Tiểu nhã gồm 80 bài thơ, Đại nhã gồm 31 bài thơ.

-Tụng hay xướng, chia làm ba phần: Chu tụng, Lỗ tụng, Thương tụng

-Chu tụng, gồm 31 bài tụng ca, được sáng tác để ca tụng những tiền nhân sáng lập nhà Chu.

-Lỗ tụng, gồm 14 bài thơ ca ngợi những vị vua nước Lỗ

-Thương tụng, gồm 4 bài tụng ca ngợi Thành Thang, tổ tiên lập ra nhà Thương và một số vị vua khác.

Kinh Thi được bắt đầu sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ 14 trước Công nguyên (Tr.CN).

*/ Kinh Thư

Kinh Thư do Khổng Tử viết lại, gồm 4 phần: Ngu thư, Hạ thư, Thương thư và Chu thư, chứa đựng nhiều lời giáo huấn hữu ích về đạo đức của các đấng quân vương.

Kinh Thư bị mất sau việc đốt sách của Tần Thủy Hoàng, nhưng vào năm 176 (Tr.CN), Hoàng đế Văn Đế đã phục hồi được kinh này nhờ một ông già còn thuộc toàn bộ, và đến đời vua sau đó người ta đã tìm thấy một bản gốc ở dưới ngôi nhà đổ nát của Khổng Tử.

*/ Kinh Dịch

Nội dung cốt lõi của Kinh Dịch dựa trên nguyên lý vũ trụ. Mọi hoạt động, biến hóa vô cùng của mọi sinh linh, kể cả tinh thần, tư tưởng đến vật chất đều dựa trên hai nhân tố thiết yếu là âm và dương. Âm dương có thể diễn tả bởi sự kết hợp qua những thẻ quái, hay những hình tượng để giải thích sự bí ẩn của tự nhiên, những lời sấm truyền và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Kinh Dịch được viết, ít ra là những nét chính yếu, từ thế kỷ thứ 13 hay 12 (Tr.CN).

*/ Kinh Lễ hay Lễ Ký

Ghi chép về các lễ nghi, cấu thành nền tảng phong tục tập quán của Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa ấy. Cuốn sách được chia làm nhiều phần: Khúc lễ, nói về chi tiết của các nghi lễ; Tăng Tử vấn, nói về những câu hỏi của Tăng Tử; Nội tắc, nói về quy tắc trong gia đình; Tế nghĩa, nói về ý nghĩa của các nghi lễ ...

Có những câu như:

-Đàn ông không nói chuyện trong nhà, đàn bà không nói chuyện ngoài đường (Nam bất ngôn nội, nữ bất ngôn ngoại)

*/ Xuân Thu

Cuốn sách này còn gọi là Biên niên của Khổng Tử, do chính Khổng Tử biên soạn. Sách liệt kê những việc làm chính của 12 vị vua nước Lỗ theo thời gian.

5- Tam Truyện

Nội dung những cuốn sách này là bình luận về kinh Xuân Thu, gồm:

Tả Truyện, đặt theo tên tác giả là Tả Khưu Minh.

Công Dương Truyện, đặt theo tên tác giả là Công Dương Cao.

Cốc Lương Truyện, đặt theo tên tác giả Cốc Lương Xích.

6- Sách sử

Gồm sử Việt và sử Trung Hoa. Sử Trung Hoa được đọc nhiều hơn cả chẳng hạn như các cuốn: Hạ Ký, cuốn sử viết về triều đại nhà Hạ; Đường Ký viết về triều đại nhà Đường; Hán Sử viết về triều đại nhà Hán ... Sử Ký là một tác phẩm đồ sộ về lịch sử nhưng cũng được coi là một tác phẩm văn học bởi văn phong mạch lạc và nhẹ nhàng của nó.

(2) Lý lịch:

Thí sinh không được dự thi nếu là người đang còn tang chế; làm nghề xướng ca hay con của người làm nghề xướng caloạn đảng hay là con của loạn đảng; có phẩm hạnh không tốt hay con của người có phẩm hạnh không tốt. Lý lịch này phải được chứng thực bởi quan chức tại nguyên quán của thí sinh.

👉XEM  TIẾP  CHƯƠNG HAI:THI HƯƠNG