Bạn có tác phẩm thơ tự sáng tác? Gửi ngay!

Sự tương đồng giữa Tú Xương và Kim Sat Kat 김병연

  Tú Xương sinh ngày 5-9-1870 (tức 10-8 năm Canh Ngọ) ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay là phố Hàng Nâu thuộc nội thành Nam Định. 

Tiểu sử của nhà thơ Tú Xương hay Trần Tế Xương

Ông học chữ nho từ nhỏ, 15 tuổi đã lều chõng đi thi hương nhưng không đỗ. Hai khoa tiếp theo cũng đi thi, lại không đỗ. Mãi đến khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài. Sau đó, ông tiếp tục đi thi mong sao được đỗ Cử nhân để có việc làm, bởi mảnh bằng Tú tài thời bấy giờ may lắm cũng chỉ có thể làm ông đồ dạy học ở nhà. 
Tú Xương và Kim Sat Kat 김병연


Cứ ba năm một lần, năm 1897 rồi 1900, 1903, 1906, người ta đều thấy ông Tú Vị Xuyên góp mặt mà khoa nào cũng trượt. Khoa tiếp theo thì không thấy ông nữa, ông đã mất cách đó hai năm do bị cảm nặng trong một lần về quê ngoại ăn giỗ tại làng Đệ Tứ, huyện Mỹ Lộc nhằm ngày rằm tháng chạp. 

Tú Xương lấy vợ sớm, vợ hơn chồng một tuổi, bà là Phạm Thị Mẫn, người gốc Hải Dương nhưng sinh ra và lớn lên ở Nam Định, là một người đảm đang, chịu thương chịu khó, quanh năm buôn bán tần tảo nuôi chồng ăn học, đi thi và 5 đứa con nhỏ dại.

   Nghèo túng và hỏng thi, bất mãn với thời cuộc đen bạc, xót xa phận mình, thương vợ thương con, thương cho bao kiếp người cùng cảnh ngộ đã khiến cho những vần thơ chua chát, sắc bén, đanh thép trong con người ông cứ thế tuôn trào. 

Với tài xuất khẩu thành thơ, ông sáng tác rất nhiều, nhưng thường là đọc cho bạn bè, bà con nghe mà không ghi chép lại. Bởi thế, thơ của ông thất lạc nhiều, người đời thêm bớt cũng nhiều. Số lượng thơ còn lại đến ngày nay là do bè bạn và con cháu nhà thơ nhớ được ghi lại, con số cũng tới mấy trăm bài.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Kim Bính Uyên tức Kim Sat Kat

   Kim Sat Kat 김병연 (1807-1863) tên chữ Hán là Kim Bính Uyên 金炳淵 còn có tên khác là Kim Rip 김립 (金笠 -Kim Lạp), tự là Tính Thâm 性深, hiệu là Lan Cao 蘭皐.Ông là nhà thơ lưu lạc và phóng túng nổi tiếng của Hàn Quốc dưới thời Joseon. Thơ ông miêu tả cuộc sống phiêu bạt, bày tỏ tâm trạng bất bình, đồng thời phản ánh nhân tình thế thái. Phong cách thơ ông độc đáo, sâu cay và hài hước.

  Vốn con nhà dòng dõi quý tộc Yangban, nhưng bởi ông nội bị khép tội "phản nghịch", đầu hàng nghĩa quân nông dân" mà dòng họ nhà ông gặp hoạ "chu di tam tộc". Khi đó, ông mới 6 tuổi, được một nhà họ Kim cứu thoát đưa về quê nuôi nấng. 

Ông vốn thông minh hiếu học, ngỡ rằng sau này thi cử đỗ đạt sẽ ra làm quan, nhưng vì dòng họ ông có vấn đề như thế nên không được dự thi, ước mơ của ông bỗng dưng tan vỡ. Ông ngộ ra cuộc đời đầy dẫy bất công rồi tỏ thái độ phẫn chí, bỏ đi phiêu bạt khắp các tỉnh trong cả nước và sáng tác thơ ca bày tỏ nỗi phẫn uất, sự mỉa mai đối với thời cuộc, châm biếm thói hư tật xấu của xã hội phong kiến ChoSon thời mạt vận, đồng cảm với những người nghèo khổ như bản thân mình... 

Với tài thơ trời cho, Kim Sat Kat sáng tác rất nhiều. Nhưng, thơ ông làm ra thường đọc cho bạn bè và các bà con thôn xóm ông từng đi qua nghe nên thất lạc nhiều, thêm bớt cũng nhiều. Việc xuất bản tập thơ của ông được làm vào năm 1939, tức hơn 70 năm sau khi ông mất cũng chỉ là ghi lại trong dân gian hoặc bà con, bè bạn ghi chép lại.

Sự gặp gỡ trong thi ca


    Chỉ cần đọc qua đôi nét về hai tác gia, ta nhận rõ một điều, sự trớ trêu của cuộc đời đã vận vào hai nhà thơ tài hoa của hai nước. Kim Sat Kat vốn thuộc dòng dõi thế phiệt trâm anh bỗng chốc trở thành kẻ có tội, nỗi bất hạnh của Kim Sat Kat lớn hơn Tú Xương khi không còn chút cơ hội nào để thi thố tài năng nơi trường ốc. So với Kim Sat Kat, sự ưu ái của cuộc đời đối với Tú Xương là được đem bút nghiên đi thi, nhưng sự ưu ái đó ngược lại còn trớ trêu hơn đối với kẻ hàn sĩ thi trượt mãi bởi quan trường dốt nát và những quy định sơ cứng, ngặt nghèo của chế độ khoa cử thời thực dân nửa phong kiến.

     Chính sự trớ trêu của cuộc đời đối với hai nhà thơ mà đã tạo ra một nét chung là họ sáng tác thơ châm biếm, trào lộng... rất nhiều. Lại nữa, việc sáng tác ấy không phải để đóng thành tập lưu truyền hậu thế, để trở thành người nổi tiếng mà là đọc cho nhân dân nghe, cho bè bạn nghe, phản ánh đời sống hiện thực mang tính lịch sử rõ nét. 

Kim Sat Kat đi khắp các nẻo đường của đất nước, đến đâu ông cũng có thơ hài hước, châm biếm xã hội và được đông đảo nhân dân đương thời quý mến. Tú Xương không đi nhiều như Kim Sat Kat. Bức tranh xã hội trong thơ Tú Xương là thành phố Nam Định. Song, cũng có thể hiểu rằng, ý nghĩa những bài thơ của ông không bó hẹp vào một địa phương mà có tính cách tiêu biểu cho xã hội đương thời.

1. Phản ánh chân thực, sâu sắc xã hội đương thời

    Xã hội Việt Nam thời Tú Xương là xã hội đang trong buổi giao thời từ một xã hội phong kiến suy tàn chuyển sang xã hội thực dân nửa phong kiến. Thi ca của Tú Xương là những nét ký hoạ mang đậm tính chân thực và làm nổi bật lên được sự chuyển hoá của xã hội ông đang sống. Trong thơ ông, có hình bóng những con người và sinh hoạt của xã hội phong kiến suy tàn, đồng thời, cũng có cả hình bóng và sinh hoạt của những con người là sản phẩm của xã hội thực dân đem lại. 

Hình bóng những tên tham quan ô lại, quan trường ậm oẹ, thầy đốc, thầy lang, cậu ấm, cô chiêu, bồi bếp, gái đĩ, bà đầm... và các sinh hoạt chè rượu, cao lâu, ăn các đồ thịt quay, lạp xường, mặc những đồ quần vân áo xuyến, hút thuốc lá, uống cà phê... đều được Tú Xương đưa vào thơ châm biếm một cách tự nhiên, tài tình.

     Xã hội ChoSon thời Kim Sat Kat cũng là một xã hội phong kiến đang ở vào giai đoạn cuối của thời kỳ suy tàn. Làn sóng khai hoá đã tràn vào bán đảo Hàn, mâu thuẫn giữa hai thế lực bảo thủ và tiến bộ đã gây nên những bất ổn trong xã hội. Hơn nữa, ảnh hưởng của phong trào khởi nghĩa nông dân Đông học và phong trào Thực học đã khiến cho xã hội ChoSon đầy rẫy những mâu thuẫn không có hướng giải quyết. Bởi thế, quan trên thì tham nhũng, dân chúng khốn cùng, sự phân biệt trên dưới, phải trái đúng sai, ngay gian không có chuẩn mực... 

Văn đàn ChoSon cũng từ đó mà phát triển, sôi nổi hơn hẳn những thời kỳ trước. Tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực phê phán thời kỳ này là Kim Sat Kat. Từ sự phẫn chí của bản thân ghét cay ghét đắng chế độ phong kiến ChoSon thời mạt kỳ thối nát, ông đi thực tế khắp vùng nông thôn, thành thị, lấy chất liệu thi ca từ đời sống thực tế và sáng tác thơ ca mỉa mai, giễu cợt, vạch trần bộ mặt xấu xa của xã hội đương thời.

    Đây là điểm gặp gỡ đáng lưu ý nhất của hai nhà thơ ở hai nước. Dẫu vẫn nói rằng, thơ ca phải phản ánh cuộc sống nhưng dưới ngòi bút của Tú Xương và Kim Sat Kat, cuộc sống ở đây còn mang "tính lịch sử cụ thể" và cách phản ánh, cách phê phán của hai ông có phong cách riêng, sắc sảo mà sâu cay, quyết liệt mà chua chát. Ở đây, chỉ xin nêu một câu thơ tiêu biểu của Tú XươngKim Sat Kat phê phán quan lại ăn tiền:

Chữ "y" chữ "chiểu" không phê đến,

Ông chỉ quen phê một chữ "tiền"!

Tú Xương

Đọc sách một quyển lại đỗ a?

Té ra nghìn quyển chẳng bằng tiền!

Kim Sat Kat

    Đối với xã hội đen bạc đảo điên, chân giả đúng sai, dại khôn khôn dại không có ranh giới, hai tác giả đều có những vần thơ châm biếm, đả kích, lên án thói đời rất sâu sắc. Trong khá nhiều bài thơ loại đó, xin nêu hai bài tiêu biểu của hai tác giả có những nét giống nhau:

Thế sự đua nhau nói dại khôn,

Biết ai là dại biết ai khôn.

Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,

Dại chốn văn chương ấy dại khôn.

Mấy kẻ nên khôn đều có dại,

Làm người có dại mới nên khôn,

Cái khôn ai cũng khôn là thế,

Mới biết trần gian kẻ dại khôn.

Tú Xương

Thị thị phi phi phi thị thị,

Thị phi phi thị phi phi thị.

Thị phi phi thị thị phi phi,

Thị thị phi phi thị thị phi.

(Đúng đúng sai sai sai đúng đúng,

Đúng sai sai đúng sai sai đúng.

Đúng sai sai đúng đúng sai sai,

Đúng đúng sai sai đúng đúng sai.)

Kim Sat Kat



    Tâm trạng bất khả tri (không thể biết) đã được hai tác giả diễn tả thành thơ cho thấy thế sự đương thời đổi trắng thay đen chỉ trong nháy mắt. Sự tài tình trong sử dụng ngôn ngữ đã tăng thêm phần phê phán xã hội, châm biếm thói đời bạc bẽo.

2. Tự trào lộng - cái tôi đặc biệt của hai tác giả


   Sự đời đen bạc, cuộc sống đảo điên và phận rủi đeo đẳng hai nhà thơ suốt cuộc đời chính là chất liệu đặc biệt tạo ra một nét đặc biệt trong những vần thơ tự trào lộng, thể hiện cái tôi rất điển hình của hai tác giả.

    Nhà thơ Tú Xương - đây là cái tên mà công chúng yêu mến nhà thơ xưa nay vẫn gọi, tên đầy đủ của ông là Trần Tế Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tính. Tuy nhiên, do thi trượt mãi, tới khoa Quý Mão năm 1903, ông đổi tên lấy may là Cao Xương mong sao đậu được cái bằng cử nhân. Vậy mà, hỏng thi vẫn cứ thi hỏng, ông viết về chuyện này:

Tế đổi thành Cao mà chó thế,

Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ơi!

    Một số nhà nghiên cứu về Tú Xương ở Việt Nam khẳng định rằng, cái tôi trong thơ Tú Xương là một điển hình nghệ thuật.(1) Ở bộ phận trào phúng, cái tôi của Tú Xương là chua chát, ngông nghênh, ăn chơi cho quên sự đời, cho quên nỗi sầu của kẻ hỏng thi. Ở bộ phận trữ tình, cái tôi của Tú Xương là một con người có nhiều cảm xúc, day dứt...

    Nhà thơ Kim Sat Kat cũng có nhiều nét tương tự như Tú Xương. Nếu phiên âm chữ Hán, tên thật của ông là Bính Uyên, tự là Tính Thâm, hiệu là Lan Cao. Ngoài ra, ông còn có các biệt hiệu là Nhi Minh, với ý nghĩa bất bình với xã hội thối nát mà lên tiếng, nói lên tiếng nói của bản thân mình, của những người dân nghèo muốn có sự thay đổi cuộc sống và Kim Lạp(2), bởi suốt cuộc hành trình ngao du khắp đất nước, ông luôn đội chiếc nón lá.

  Thể hiện cái tôi trong thơ của mình, Kim Sat Kat khéo hòa quyện giữa nét trữ tình với chữ Hận. Bài Tự than của ông có câu:

“Ba nghìn dặm lang thang phiêu bạt,

Bốn mươi năm đèn sách quẳng đi”.

Và cuối cùng, ở câu kết, ông than dài chua xót:

“Trên đời này, ai hiểu được ta?”

(Kim Sat Kat)

   Kim Sat Kat hận sự đời không cho phép mình được đi thi để rồi đỗ đạt, mang tài năng ra giúp đời. Còn Tú Xương hận mình thi trượt thì sao có cơ hội giúp cho gia đình, cho đất nước thoát ra khỏi nghịch cảnh:

“Một việc văn chương thôi cũng nhảm,

Trăm năm thân thế có ra gì”.

(Tú Xương)

  Ở bài Vịnh nón lá, Kim Sat Kat đã tự nói về mình và qua đây, ta có thể hiểu được con người họ Kim lãng tử mà trong sáng này:

“Nón lá bồng bềnh tựa thuyền không,

Cuộc đời thoáng chốc bốn mươi thâu (thu).

Mục đồng áo mỏng theo trâu miết,

Ngư ông vốn thích bạn hải âu”.

“Say đi cho hết vấn vương đời,

Cao hứng lên lầu ngắm trăng chơi.

Tục tử bề ngoài khoe mũ áo,

Ta chẳng sầu mưa gió đầy trời”.

(Kim Sat Kat)

Trong bài phú Thầy đồ dạy học, Tú Xương cũng tự nói về ông:

“Con người phong nhã,

Ở chốn thị thành.

Râu rậm bằng chổi,

Đầu to tày giành.

Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo,

Cũng nhiều lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoanh.

Nhà lính tính quan; ăn rặt những thịt quay, lạp xường,

Mặc rặt những quần vân áo xuyến...”

Đây đúng là điểm giống nhau khá đặc biệt của hai nhà thơ nghèo mang nỗi hận đời, hận mình lại viết về cái tôi với nghĩa cụ thể đặc biệt như vậy!

3. Trữ tình và trào phúng - nét đặc sắc trong thơ của hai tác giả

Trong số những vần thơ mà hai tác giả để lại, ta thấy rõ có hai loại là trữ tình và trào phúng. Công bằng mà nói, nét trữ tình trong thơ của hai ông cũng đặc sắc không kém gì so với một nhà thơ nào đương thời. 

Chẳng hạn như một số bài: Thương vợ, Chợt giấc, Đêm hè, Đêm dài... (Tú Xương); Khai thành, Bách tường lâu, Phiêu Nhiên Đình, Lần thứ hai qua Hoài Dương... (Kim Sat Kat) đều được thừa nhận là những bài thơ hay, gây được ấn tượng về mặt cảm xúc, nhưng có điều, cũng như mọi người vẫn thừa nhận, thành tựu chính của hai nhà thơ chủ yếu ở lĩnh vực trào phúng, bởi vậy mà lĩnh vực trữ tình bị mờ nhạt đi.

Nghệ thuật trào phúng của hai tác giả đã được nhiều thế hệ người Việt Nam và Hàn Quốc cũng như các nhà nghiên cứu chuyên sâu đánh giá là đạt đến đỉnh cao. Một tài thơ thiên bẩm cộng với cảm xúc nhạy bén của một tâm hồn, một con tim có chiều sâu lại gặp cảnh trớ trêu của cuộc đời đã tạo ra những vần thơ mang nét đặc sắc riêng biệt của hai tác giả. 

Những câu thơ trào phúng hay nhất về cái nghèo, thi hỏng hoặc không được dự thi, châm biếm bọn quan lại, quý tộc kệch cỡm, dốt nát, đả kích những con người xấu, thói hư tật xấu của xã hội... thì nhân dân hai nước đều kể đến tên hai nhà thơ Tú Xương và Kim Sat Kat.

Thơ trào phúng của Tú Xương thường dùng thể thơ Đường luật nhưng ngôn từ trong câu là của người Việt. Hoặc nói cách khác, đây là thơ Nôm theo thể Đường luật. Chính vì sử dụng chữ Nôm, sử dụng ngôn từ Việt mà nhiều từ ngữ mang yếu tố hài hước, châm biếm đã được nhà thơ khéo léo xếp đặt đã tạo ra một phong cách riêng của Tú Xương. Nói một cách hơi khác đi một chút, một sự phá cách trong sử dụng ngôn ngữ đã xuất hiện rõ nét từ Tú Xương. Những từ ngữ dân dã, thông tục, thậm chí tục tĩu cũng được sử dụng rất tài tình khiến cho tính châm biếm, hài hước đạt đến trình độ cảm xúc cao.

Thơ trào phúng của Kim Sat Kat cũng có nhiều nét tương tự như vậy. Thơ chữ Hán của Kim Sat Kat cho thấy tính chất tượng trưng của sự biến đổi văn học chữ Hán thời kỳ này(3). Đó là thời kỳ thơ trào phúng ở Hàn Quốc đã sử dụng xen lẫn chữ Hàn với chữ Hán trong một câu thơ, những ngôn từ dân gian chỉ các đối tượng xuất hiện trong đời sống thường nhật như con muỗi, con nhện, con rận, con chuột... cũng được đưa vào thơ một cách tự nhiên. Thơ trào phúng của Kim Sat Kat được coi là đại biểu và sự phá cách trong thơ của ông được đánh giá rất cao.

Đây có thể coi là sự gặp gỡ thú vị trong nghệ thuật làm thơ trào phúng của hai nhà thơ xuất sắc.

Đọc thơ của hai ông, chúng tôi còn thấy một số điểm gặp gỡ nữa giữa hai nhà thơ, ví dụ như sự cảm thông với những người nghèo cùng cảnh ngộ, châm biếm mỉa mai các ông nghè ông cống dốt nát, phê phán đạo Nho suy đồi, phê phán những thói xấu, kệch cỡm của những con người mới phất lên nhờ buôn bán hoặc theo Tây...

III. Lời kết

Có thể khẳng định rằng Tú XươngKim Sat Kat không hẹn mà nên, thi ca của hai ông có nhiều điểm gặp nhau và đều được đánh giá cao trong lịch sử văn học hai nước thời cận đại, được đông đảo công chúng yêu mến và tiếp nhận. Hơn nữa, nghệ thuật sáng tác thơ có tính chất trào phúng của hai ông đã có sức ảnh hưởng rõ rệt đối với đời sau. 

Noi theo Tú Xương, ở Việt Nam, nhiều nhà thơ đã sáng tác thơ ca trào phúng, đặc biệt là ở thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Ngày nay, kinh nghiệm sáng tác của Tú Xương càng cần được học hỏi để sáng tác những bài thơ mới nhằm phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội kinh tế thị trường. Noi theo Kim Sat Kat, nhiều nhà thơ Hàn Quốc đã học tập lối làm thơ trào phúng của ông, sử dụng nhiều chữ Hán trong thơ thất ngôn rồi dần phát triển lên lấy vần Ga Na Đa của chữ cái Hàn để hiệp vận, đặc biệt là ở thời kỳ chống Nhật, đã hình thành một dòng thơ đả kích Nhật, phê phán bọn tay sai thân Nhật...

Chú thích:

(1) Xem Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, Nxb. ĐH và THCN, 1976, tr.306.

(2) Lạp: có nghĩa là nón lá.

(3) Văn học sử Hàn Quốc, từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX, Lý Xuân Chung và Jeon Hye Kyung dịch; Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2006, tr.300.

Tài liệu tham khảo

1.Kim Đông Huc: Quốc văn học sử; Nxb. Nhật Tân, Seoul 1997.

2.Vi Húc Thăng: Triều Tiên văn học sử; Nxb. Đại học Bắc Kinh, 1985.

3.Hàn Quốc văn học sử, Lý Xuân Chung và Jeon Hye Kyung dịch; Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2006.

4.Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX; Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1976.

5.Từ điển văn học Việt Nam từ Nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX; Lại Nguyên Ân biên soạn với sự cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường; Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sưu tầm