Hội đầu pháo


Hội đầu pháo

Đi đâu cũng nhớ ngày này
Lễ hội đầu pháo sáu ngày năm đêm
Mở hội hai hai tháng Giêng
Cho đến hai bảy hội thiêng mới tàn
Một đầu pháo giấy bay ngang
Hễ ai giành được thì mang về nhà
Tục truyền như vậy gọi là
Đem Lộc may mắn cho ta cho người
Hội được tổ chức hai nơi
Kỳ Cùng, Tả Phủ vui chơi suốt ngày
Cờ người đấu trí rất gay
Sư tử vờn múa giang tay thi tài
Hội còn rước kiệu , rước đài
Cả phố lộng lẫy áo dài đẹp thay
Dân bày mâm, khói hương bay
Xôi đỏ, quả chín, lợn quay trước nhà
Lễ nghi như vậy gọi là
Phúc , Lộc sẽ đến nhà nhà yên vui.
Dương hồng
 Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ là một trong những lễ hội lớn nhất tỉnh Lạng Sơn và diễn ra từ ngày 12.2 đến ngày 17.2 (27 tháng Giêng) hàng năm. Mục đích của lễ hội là tưởng nhớ công ơn của Quan lớn Tuần tranh và Phó tướng Thân Công Tài, những người đã có công trong việc trấn giữ và mở mang phố chợ Kỳ Lừa. Trong số nhiều hoạt động của lễ hội, màn cướp đầu pháo là hoạt động thu hút nhiều người tham gia nhất với ý nghĩa cầu may mắn và tài lộc.
 Lễ hội cướp đầu pháo ở thành phố Lạng Sơn luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng. Vào ngày 22 tháng Giêng, đúng giờ Ngọ, đoàn rước bát hương Quan lớn Tuần tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ được tổ chức với sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân trong tỉnh và các đoàn sư tử, lân, rồng, "Đồng nam" và "Đồng tử".
Theo truyền thuyết, Hán Quận công đã giải oan cho Quan lớn Tuần tranh khi ông giữ chức Tả Đô đốc. Vì vậy, vào ngày 22, Quan lớn Tuần tranh được rước lên đền Tả Phủ để tạ ơn người đã có công với mình, sau đó vào ngày 27, ông lại được rước về đền Kỳ Cùng.
 Trên các tuyến đường mà đoàn rước đi qua, các hộ gia đình chuẩn bị những mâm lễ vật để dâng lên thần linh, với trung tâm là con lợn quay. Mục đích là mong muốn thần linh sẽ phù hộ cho gia đình gặp nhiều tài lộc và bình an.
 Một điểm nổi bật trong lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ là màn cướp đầu pháo, diễn ra tại khu vực trước đền Tả Phủ. Đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m và bên trong đầu pháo có một vòng kim loại, nối với đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống gần mặt đất. Khi pháo được đốt, đầu pháo sẽ nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ đợi vòng kim loại rơi xuống rồi chạy vào tranh cướp.
 Người nào tranh được vòng kim loại sẽ đem đến trình báo với nhà đền. Sau đó, Ban tổ chức lễ hội sẽ thông báo và vinh danh người đó, cũng như tặng thưởng trước khi rước về tận nhà để tạ ơn tổ tiên. Năm sau, người đó sẽ quay một con lợn và rước đến nhà đền để làm lễ vật dâng cúng lên thần linh.
 Theo TS Hoàng Văn Páo, chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, tục cướp đầu pháo cầu may đã tồn tại từ thế kỷ 17 và liên quan mật thiết đến lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ. Đầu pháo được làm bằng vòng tròn đồng và được bắn ra từ bánh pháo nổ trong sân trước đền. Cướp được đầu pháo được coi là một dấu hiệu may mắn và người đó sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong năm.
 Bên cạnh màn tranh đầu pháo, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ năm nay còn rất nhiều hoạt động đặc sắc. Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian, không gian ẩm thực và trưng bày chuyên đề "Chợ phiên Kỳ Lừa xưa" tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ trở nên sống động với những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Đồng bào các dân tộc Nùng, Tày từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh hẹn nhau về để hát sli và tham gia các hoạt động vui chơi truyền thống.