Đánh chuột vỡ bình

Đánh chuột vỡ bình


Đánh chuột vỡ bình

Gặm nhấm loài kia núp góc nhà
Ông thò gậy chọc xuýt cùng xoa
Vung tay phải giữ bao thành quả
Thượng cẳng lưu tình níu nụ hoa
Đánh khẽ dơ cao dường nổi đóa
Tung đòn ngỡ nặng hóa qua loa
Ngày xuân tích cũ vang thiên hạ
Chuột chạy bình còn vạn tuế gia

 Hàng ngàn năm qua, loài người luôn xem chuột là một thứ “giặc”. Nhưng tiêu diệt giống vật đa nghi, tinh quái này không dễ. Người ta chế ra trăm ngàn thứ bẫy bả để đánh chuột, chúng cũng tương kế tựu kế, tìm đủ cách để sinh tồn. Bởi vậy, đặt bẫy dùng bả có khi chuột chẳng hề gì mà chó, mèo, gà, thậm chí là chính con người lại phải mất mạng. Còn đánh đuổi chuột thì lắm khi chuột chẳng chết mà chum vại, bát chén lại vỡ tan tành! Thế nên tục ngữ Việt Nam mới có câu “Ném chuột sợ vỡ bình quý” (dị bản “Ném chuột còn ghê chạn bát”; “Ném chuột còn e chạn bát""Đánh chuột vỡ bình"); và tục ngữ Hán cũng có câu “Đầu thử kỵ khí” 投鼠忌器 (Ném chuột sợ vỡ đồ). Hãy cùng Thơ Đường luật tìm hiểu về điển tích này.

Điển tích Đánh chuột vỡ bình

 Về điển tích “Đầu thử kỵ khí”, Truyện Giả Nghị trong sách Hán thư (Hán thư - Giả Nghị truyện 漢書 - 價議傳) cho biết, xưa có một phú ông đam mê đồ cổ, và sưu tập được rất nhiều. Trong số đó có một món đồ cực quý hiếm, nghệ thuật tinh mỹ, gọi là liễn ngọc (nguyên văn “ngọc vu” 玉盂). Nhiều kẻ sưu tầm đồ cổ giàu có khác rất thèm muốn. Chiều tối một ngày nọ, bỗng có con chuột chui vào liễn ngọc tìm kiếm thức ăn. Phú ông nhìn thấy và vô cùng tức giận. Trong cơn thịnh nộ, ông cầm hòn đá ném mạnh khiến con chuột kia chết ngay tức khắc. Nhưng than ôi, chiếc bình ngọc quý của phú ông cũng vỡ tan tành. Lúc này, phú ông mới cảm thấy nuối tiếc và vô cùng hối hận bởi hành vi vội vàng, lỗ mãng của mình.

Đánh chuột vỡ bình đi vào đời sống và văn học

 Điển tích “Ném chuột sợ vỡ đồ” được vận dụng khá rộng rãi trong đời sống cũng như các tác phẩm văn học từ cổ chí kim, với nhiều ẩn ý khác nhau. Xin nêu một vài ví dụ dưới đây.

 Thời Tây Hán, Đại văn học gia Giả Nghị đã vận dụng điển tích “Đánh chuột sợ vỡ đồ” để nói với vua Cảnh Đế: “Tục ngữ có câu “Đầu thử kỵ khí”, ý nói một người cầm gậy muốn ném chuột, nhưng lại sợ làm vỡ đồ vật ở ngay bên cạnh con chuột. Có khi đánh chuột không thành mà lại làm vỡ đồ. Ví như đám bề tôi gần gũi Chúa thượng, dẫu có làm việc lầm lỗi hoặc phạm tội chăng nữa, cũng không ai dám tố giác, càng không ai dám chửi rủa. Sở dĩ những hình phạt như thích chữ lên mặt, hay xẻo mũi không thể đụng chạm đến những vị ấy được, nguyên nhân cũng vì họ đều thân cận hai bên tả hữu Chúa thượng, phải tôn trọng Chúa thượng vậy.” (Hán thư - Giả Nghị truyện - 漢書-價議傳). 

  Ai từng đọc “Tam quốc diễn nghĩa” hẳn nhớ một đoạn trong Hồi 20 “Tào A Man ra săn ruộng Hứa Điền, Đổng Quốc cữu vâng chiếu trong nội các: 
“…Đi qua một cái gò, chợt thấy trong bụi gai một con hươu lớn chạy ra, vua bắn luôn ba phát không tin, bèn ngoảnh lại bảo Tháo rằng: 

- Ngươi bắn đi!

 Tháo xin mượn cung ngọc tên vàng của vua, giương lên bắn một phát, tin ngay giữa lưng, hươu ngã trong đám cỏ. Các đại thần và các tướng trông thấy lưng hươu có tên bịt vàng, tưởng vua bắn tin, cùng chạy lên trước mặt vua reo: Vạn tuế!

 Tào Tháo tế ngựa ra đứng trước mặt vua để nhận lấy những lời chúc mừng. 
Trăm quan thấy vậy ai nấy đều tái mặt. Sau lưng Huyền Đức, Quan Vân Trường giận lắm, mày tằm dựng ngược, mắt phượng giương to, cầm đao, thúc ngựa định ra chém Tào Tháo. Huyền Đức biết ý, vội vàng vẫy tay đưa mắt. Quan Công thấy anh ra hiệu, phải chịu đứng im. 

Huyền Đức ngoảnh lại mừng Tào Tháo rằng: 

- Thừa tướng bắn tài trong đời hiếm có!

 Tháo cười nói nhún rằng:

 - Ấy cũng nhờ phúc lớn của thiên tử. 

Rồi Tháo quay ngựa ngoảnh vào vua chúc mừng, nhưng từ đấy giữ lấy cung khảm ngọc, không trả vua nữa. 

Săn bắn xong, Tháo mở một tiệc yến ở Hứa Điền, rồi rước vua về Hứa Đô. Khi các quan tướng đâu đã về đấy rồi, Quan Vũ mới hỏi Lưu Bị rằng: 

- Thằng giặc Tào nó dối vua khinh trên, tôi toan giết nó để trừ hại cho nước, sao anh lại ngăn tôi?

 Lưu Bị nói: 

- Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý, Tháo đứng cách vua chỉ có một đầu ngựa, mà những người tâm phúc nó đi xúm xít cả chung quanh, nếu em nhân cơn giận làm liều không nghĩ, nhỡ việc không xong, hại đến Thiên tử thì có phải tội tại chúng ta không?”.

  Câu “Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý” của Lưu Bị (Bản dịch Phan Kế Bính, Bùi Kỷ hiệu đính) nguyên văn chữ Hán trong “Tam Quốc diễn nghĩa” là “Đầu thử kỵ khí” (投鼠忌器). 

Đánh chuột vỡ bình trong thời buổi hiện nay

 Năm Giáp Tý 1984, nhân cuộc xướng hoạ thơ vui “Năm Tý nói chuyện chuột” trên báo Thanh Hoá, Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ có bài hoạ, trong đó câu “Tiếc lọ chê ai đành chuột phá” chính là vận dụng tục ngữ “Đánh chuột sợ vỡ bình quý”: 

Giống chuột xưa nay vẫn sống đời 
Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi! 
Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu, 
Của để tớ thầy hợp sức lôi! 
Tiếc lọ chê ai đành chuột phá, 
Hoài cơm trách bạn để mèo xơi! 
Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc, 
Cống lỗ chi chi cũng hết nòi! 

Ý nghĩa của câu đánh chuột vỡ bình

 Như vậy, câu tục ngữ “Đánh chuột sợ vỡ đồ” mang nhiều nghĩa bóng. Đại văn học gia Giả Nghị vận dụng với ẩn ý: đôi khi buộc phải nương tay với kẻ phạm tội, bởi chúng được sự sủng ái của bề trên; Lưu Bị dùng với nghĩa: trừng trị, tiêu diệt kẻ thù cần phải khôn ngoan, tránh làm tổn hại chính mình; còn tác giả bài thơ hoạ “Năm Tý nói chuyện chuột”, lại dùng với ý: không nên vì sợ tổn hại mà quá nương tay với kẻ gây hại. 

Ấy chính là cái khó khi tiêu diệt loại kẻ thù mà chúng luôn tìm cách nương náu, dựa dẫm, lẩn khuất vào chính những thứ mà mình đang cần bảo vệ. 
Theo HTC/1/2020

Đăng nhận xét